0868 263 888

Holine tư vấn

Đưa ba con đi phượt từ 2 tháng tuổi

26/05/2022 - Lượt xem: 1054

Minh Trường và vợ không ngại cho con "ăn bờ, ngủ bụi", cắm trại qua đêm ở Y Tý khi ngoài trời lạnh 2 độ C.

Chuyến đi gần đây nhất của gia đình anh Minh Trường (36 tuổi) là tới Sa Pa, Y Tý (Lào Cai) ngày 3-5/12. Trong chuyến đi có ba thành viên đặc biệt là các con 2, 5 và 8 tuổi. Những ngày này miền Bắc đón không khí lạnh, gia đình vẫn lựa chọn cắm trại trên núi cao khoảng hơn 2.000 m so với mực nước biển, nhiệt độ ban đêm xuống 2 độ C.

Chuyến đi này, vợ chồng anh phải chuẩn bị kỹ, mang thêm nhiều chăn, mua nhiều củi từ người địa phương để đốt lửa trong bán kính 5 m giữ ấm. Hướng nào có gió đều được anh căng bạt để giữ ấm. Vợ anh cùng hai con nhỏ ngủ trong khoang xe, còn anh và con trai lớn ngủ lều trên nóc. Anh chia sẻ vì không gian hẹp, kín gió và cơ thể sinh nhiệt nên gia đình anh có đêm ngủ ấm áp, còn hơn một đêm ở homestay nếu có gió vào.

Nhiều người có thể thấy lạ, song đây là chuyến đi thường lệ của gia đình anh vào mỗi tuần. Ba con nhỏ đều được vợ chồng anh đưa đi du lịch từ 2 tháng tuổi và họ cùng nhau tới hầu hết các tỉnh thành từ Quy Nhơn ngược ra Bắc. Năm nay họ có chuyến phượt xa tới Hà Giang (30/4-1/5) và một tháng ở Cao Bằng ngay khi Hà Nội hết giãn cách hồi tháng 9. Trước đó, chuyến đi xa nhất là lái xe tới Quảng Bình, khi con trai út mới vài tháng tuổi.

Anh Trường chia sẻ, trước đây gia đình cũng du lịch đơn thuần, chủ yếu lái xe tới các vùng biển, nghỉ khách sạn, homestay. Tuy nhiên từ khi Covid-19 xuất hiện, họ yêu thích cắm trại, dã ngoại gần thiên nhiên và tần suất "ăn bờ, ngủ bụi" cũng nhiều hơn. Họ hầu như không xây dựng lộ trình mà đi theo cảm hứng, dừng lại khi thấy mệt và nghỉ ở nơi người địa phương gợi ý. Các điểm đến họ ưu tiên lựa chọn là đồi, núi cao, có suối, thác cho các con ngắm cảnh, tuy nhiên không quá xa khu dân cư. Ngoài ra, các con cũng được dã ngoại cùng nhiều bạn đồng trang lứa hoặc tham gia chương trình thiện nguyện.

Cách đây hơn một năm, anh lắp đặt thêm một chiếc lều nóc trên xe, khi dừng có thể bung ra làm chỗ nghỉ. Gần đây, chiếc xe Ford Everest được anh hoán cải thêm. Cụ thể là giữ nguyên hàng ghế thứ 2 trong xe để di chuyển cho cả 5 người, hàng ghế thứ 3 tháo ra và lắp đặt thêm những chiếc thùng đựng đồ, cao 25 cm so với mặt sàn. Khi dừng xe, gập hàng ghế thứ 2 lại sẽ thành một mặt phẳng làm giường. Các tủ có thể kéo ra làm khoang ngồi ngoài trời. Những chiếc thùng này có thể tháo rời ra khỏi xe trong vòng vài phút. Chi phí cải tạo là khoảng 100 triệu đồng.

Trên xe có hệ thống pin sạc dùng để chiếu sáng đèn, quạt (mùa hè), bếp điện và thùng chứa 50 lít nước để rửa chân, tay. Ngoài ra trong các hộc để đồ có đầy đủ bát đĩa, nồi niêu, bếp gas nấu ăn, ấm đun nước... Trong các chuyến đi dài, gia đình không lưu trú hoàn toàn trên xe mà tranh thủ nghỉ trưa ở khu du lịch để lấy thêm nước, sạc pin, vệ sinh cá nhân. Trong những chuyến đi kéo dài cả tuần, cả tháng, gia đình nghỉ kết hợp ở các homestay của người dân địa phương.

Anh Trường cho biết việc có một "ngôi nhà di động" riêng giúp gia đình anh tiết kiệm chi phí thuê phòng nghỉ, ngoài ra đảm bảo riêng tư, an toàn trong Covid-19.

Chị Diệu Thúy, vợ anh Trường, chuẩn bị 50% thực phẩm cho suốt chuyến đi như thịt, cá, còn lại các loại gia vị, rau củ có thể mua ở chợ địa phương, cũng là cách để tìm hiểu đời sống, nét sinh hoạt của người dân.

99% chuyến đi của gia đình là cùng nhau. Anh Trường cho biết rất hiếm khi vợ chồng anh đi riêng, trừ khi họp cùng bạn bè hoặc đến nơi có điều kiện môi trường không phù hợp cho trẻ nhỏ. Ví dụ, đầu năm nay gia đình cùng nhau đi săn băng giá ở đỉnh Phia Oắc (Phia Đén, Nguyên Bình, Cao Bằng), song nhiệt độ có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe trẻ nhỏ nên bé út ở nhà cùng mẹ, còn anh và 2 con lớn lên đường.

Anh chia sẻ, cho con đi du lịch từ nhỏ cũng là một cách rèn luyện tính tự lập, tăng khả năng thích nghi và tính khám phá cho con. Chẳng hạn, trước mỗi chuyến đi, hai bé lớn sẽ tự thu dọn đồ đạc cá nhân. Khi đi chơi, các con tự ăn các món bố mẹ chuẩn bị, không đòi hỏi riêng và ăn xong nhanh chóng để dọn dẹp. Con trai lớn có thể trông hai em và luôn biết ở trong khu vực có thể nhìn thấy bố mẹ, gọi trợ giúp khi cần. Anh nhớ chuyến đi săn tuyết ở Phia Oắc, ba bố con phải khởi hành lúc 2h sáng. Khi đến nơi, các bạn nhỏ vẫn năng động, thích thú ngắm cảnh và kết thúc chuyến đi khỏe mạnh.

Vợ chồng anh Trường kinh doanh cà phê được 14 năm và nhờ đam mê xê dịch, họ mở thêm hệ thống đồ cắm trại, xây dựng cộng đồng Hội cắm trại - Camping Việt Nam với hơn 11.000 thành viên. Công việc kinh doanh tự do cũng giúp anh chị có nhiều thời gian. Trước đây khi các bạn nhỏ đi học, anh chị sẽ xin nghỉ phép vào ngày thứ sau cho mỗi chuyến đi ba ngày. Khi đi chơi, ngoài thời gian giải trí, con phải học và đảm bảo bài vở. Hiện nay cậu con trai lớn đang học online, bé có thể tập trung học ngay trong khoang xe hay vào nhà người dân.

"Mình luôn biết ơn và thấy may mắn khi có các con ở bên cạnh, đồng hành từ bé tới lớn", anh Trường nói và cho biết những chuyến đi cùng gia đình luôn là sợi dây gắn kết bền chặt các thành viên với nhau. Đặc biệt, họ tin rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào, các con cũng dễ thích nghi và hòa nhập hơn. Thời gian tới, điểm đến của họ có thể là Mộc Châu (Sơn La), Hà Giang, Lai Châu... hay bất cứ đâu, chỉ cần đi cùng nhau.