23/08/2023
- Lượt xem:
187
Mùa hè vừa qua, tranh thủ thời gian các con không phải đến trường, gia đình chị Hà My (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đã "chu du" tới hàng loạt điểm đến như Sa Pa, Pù Luông, Mộc Châu, Hạ Long, Nghi Sơn, Cam Ranh, Mũi Né...
"Thời điểm này khi miền Bắc đã vào mùa thu, đông, các con phải tới trường, gia đình mình thường đi ngắn ngày tới các điểm gần Hà Nội. Dự kiến khi mùa đông và mùa xuân đến, cả nhà sẽ tới Sa Pa, Mộc Châu hoặc Đà Lạt để trải nghiệm thiên nhiên, không khí Tết của bà con vùng cao", chị Hà My cho biết.
Chị Hà My là giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội. Ông xã của chị công tác trong ngành khí tượng thủy văn. Cặp đôi đam mê du lịch từ lâu và thường xuyên có những chuyến nghỉ dưỡng dài ngày vào dịp lễ Tết, nghỉ hè.
Tuy nhiên, năm 2020, chị My nhận thấy, dù theo bố mẹ tới nhiều nơi nhưng cậu con trai 6 tuổi của anh chị vẫn khá nhút nhát, chậm nói. Không muốn con quanh quẩn trong nhà hay thành phố chật chội, anh chị quyết định dành toàn bộ thời gian cuối tuần để đưa con ra ngoại ô, khám phá thiên nhiên, làm quen cuộc sống dân dã, tương tác nhiều hơn với mọi người. Gia đình nhỏ bắt đầu thử trải nghiệm cắm trại.
“Ban đầu khi mới cắm trại, gia đình mình thường chọn các địa điểm an toàn, đông người như Ba Vì, và đi cùng bạn bè", chị My cho biết. “Lúc ấy mình không có nhiều đồ đạc, thiếu nhiều thứ lắm nên thỉnh thoảng, hai mẹ con lại lon ton chạy sang mượn các lều “hàng xóm”. Dù có chút ngại nhưng vui, mọi người đều sẵn lòng chia sẻ. Con trai mình khá thích thú với công việc này", chị My kể.
Lần đầu tiên trải nghiệm bữa trưa: Ngồi ăn trên tấm bạt, uống nước bằng cốc giấy, vừa ăn vừa ngắm nhìn đồi thông xanh mướt khiến cho gia đình 4 thành viên vui cười sảng khoái. Trở về sau chuyến đi, cả nhà cảm thấy nhung nhớ, thèm cảm giác tiếp tục lên đường để hòa mình vào thiên nhiên.
Những tuần sau đó, cả nhà tìm tới các điểm đến gần Hà Nội như Sóc Sơn, Đồng Mô (Hà Nội), Thung Nai, Bản Xôi (Hoà Bình), hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc)... để "luyện" cắm trại, làm quen với việc "ngủ trong rừng, ăn bên suối". Sau này, khi đã có kinh nghiệm, gia đình chị My lên đường chinh phục các điểm đến xa hơn ở vùng núi như Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Pù Luông (Thanh Hoá), Hữu Lũng (Lạng Sơn)...
Tần suất cắm trại của gia đình nhỏ tăng dần, từ mỗi năm hai chuyến, ba tháng một chuyến đến hai tuần một chuyến. Thậm chí có thời gian tuần nào gia đình My cũng cùng nhau đi cắm trại.
Chị Hà My cho biết, anh chị chọn điểm cắm trại theo tiêu chí: Địa hình hoàn toàn tự nhiên, nhiều cây cối, có suối nguồn/bờ biển sạch sẽ cho trẻ con chơi và cảnh quan thiên nhiên đẹp, ít chịu tác động của con người. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, vợ chồng chị My luôn theo sát các con, chuẩn bị sẵn đồ chống côn trùng cho con, đồ cứu hộ ôtô trong trường hợp gặp sự cố giữa đường. Nếu lựa chọn điểm cắm trại gần sông suối, phải đảm bảo nguồn nước không chảy xiết, nước không sâu.
Mỗi chuyến đi của gia đình Hà Nội đều đầy ắp tiếng cười và kỉ niệm.
"Điểm đến ấn tượng nhất với gia đình mình là Bản Bướt (Vân Hồ, Sơn La), một khu vực nằm cách đường quốc lộ chỉ hơn 1km nhưng cuộc sống gần như tách biệt hoàn toàn thế giới bên ngoài. Ở đây không chỉ có phong cảnh đẹp, các bé còn còn được trải nghiệm, giao lưu với trẻ em trong bản, tập làm bè tre để đi qua suối, tặng sách và đồ chơi cho các bạn, tắm suối, săn mây... Người dân ở đây thân thiện, mến khách, sẵn sàng kể chuyện, chỉ dẫn cho gia đình mình", chị Hà My nhớ lại.
Chị My cho biết, giờ đây, khi đã quen với việc dã ngoại, cắm trại, họ chỉ cần lên kế hoạch trước khi khởi hành 1 tới 2 ngày, chủ yếu là lên lịch trình di chuyển. Đồ cắm trại được ông xã chị My gấp gọn trong cốp ôtô, lúc nào cũng sẵn sàng lên đường.
Về thực phẩm, mùa đông, chị thường chuẩn bị đồ nướng BBQ, mùa hè thì chọn đồ ăn gọn nhẹ hơn, hạn chế phải nấu bếp cho đỡ nóng. Chi phí các chuyến đi gần thường từ 1-2 triệu đồng, xa hơn từ 5-8 triệu đồng. Với đồ camping, thời gian đầu My chỉ mua sắm những món đồ cơ bản như lều, bạt tráng bạc, túi ngủ... Sau đi nhiều, anh chị nâng cấp đồ camping lên những món chuyên dụng hơn, có thương hiệu tốt. Hiện tại, bộ đồ camping của gia đình có trị giá khoảng 70 triệu đồng.
Ngoài cùng con thăm thú thiên nhiên tại điểm đến, chị My thường xuyên nghĩ ra các trò chơi như “tìm kho báu” để ccon luyện từ vựng tiếng Anh hoặc đưa thử thách lên danh sách đồ cá nhân cho buổi cắm trại để con rèn tính tự lập.
Anh chị cũng chú trọng việc giáo dục về bảo vệ môi trường cho các con. Sau mỗi chuyến đi, cả gia đình cùng nhau dọn rác, phân loại rác hữu cơ, rác có thể tái chế...
"Hơn hai năm qua, con trai mình đã có sự thay đổi tích cực. Con ngày càng trở nên dạn dĩ, vui vẻ, thích nghi tốt với các môi trường sống khác nhau, thích thú với hoạt động ngoài trời, biết chăm sóc em, hòa đồng cùng bạn bè. Con gái thứ 2, tuy mới 3 tuổi nhưng hoạt bát, lém lỉnh. Cứ cuối tuần, hai con lại háo hức chuẩn bị đồ để theo bố mẹ đi khám phá", chị Hà My hạnh phúc cho biết.
Trích nguồn: báo Dulichlaodong (https://dulich.laodong.vn/cau-chuyen-du-lich/gia-dinh-ha-noi-me-cam-trai-nghien-ngu-rung-1108815.html )